LEO XIV, giáo hoàng người Mỹ đầu tiên trong lịch sử Vatican
Tin tổng hợp của Saigon Weekly
Tân GH Leo XIV đã truyền đạt thông điệp đầu tiên từ ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter, tại Vatican. (Dylan Martinez/Reuters)
Khi một làn khói trắng, báo hiệu Giáo Hội Vatican đã có một giáo hoàng mới, bốc lên từ ống khói trên Nhà nguyện Sistine lúc 6:07 chiều ngày thứ Năm 7 tháng 5 và một giờ sau, Hồng y người Pháp Dominique Mamberti tuyên bố, “Habemus Papam” — chúng ta đã có một giáo hoàng thì GH Leo XIV mặc một chiếc áo choàng vai màu đỏ tươi và khăn choàng thêu hoa văn cầu kỳ, trái ngược với chiếc áo trắng đơn giản mà Giáo Hoàng Francis mặc năm 2013.
Mặc dù có một số dự đoán về một mật nghị kéo dài, nhưng cuộc thảo luận kéo dài trong 24 giờ 23 phút này ngang bằng với hai mật nghị trước đó, khi GH Francis được bầu sau năm lần bỏ phiếu và Benedict XVI trong bốn lần bỏ phiếu.
Khi Hồng y Robert Prevost của giáo phận Chicago, Hoa Kỳ được Hội Đồng Hồng Y bầu làm Giáo hoàng và lấy uy hiệu là Leo XIV bước ra ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter với tư cách là giáo hoàng người Mỹ đầu tiên, thì không chỉ tại Vatican mà thế giới cũng kinh ngạc khi các hồng y đã phá vỡ điều “cấm kỵ” bất thành văn là tránh bầu công dân của siêu cường hùng mạnh nhất thế giới để lãnh đạo Giáo hội Công giáo, một tổ chức tôn giáo cũng lớn nhất thế giới với số tín đồ là 1.4 tỷ người. Tự chọn cho mình uy hiệu là Giáo hoàng Leo XIV, một danh hiệu được gắn liền với việc phụng sự xã hội và sống ẩn dật, Hồng y Robert Prevost đã bắt đầu một chương mới trên một con đường có thể là rất dài trong một thế giới mà đức tin đã chia rẽ và phân hóa. Trong bài diễn từ đầu tiên, Tân GH Leo XIV đã tuyên dương cố GH Francis vì ngài đã đưa một linh mục truyền giáo ở một thành phố nhỏ của Peru trong hai thập kỷ về Rome và giao cho ông một trong những vị trí quyền lực nhất tại Vatican, giám sát việc thăng cấp của hệ thống cấp bậc của Giáo Hội - Dicastery for Bishops.
Việc bầu một giáo hoàng đầu tiên của vùng Bắc Mỹ diễn ra ngay sau khi giáo hoàng đầu tiên của Mỹ Latinh qua đời báo hiệu sự từ bỏ quyền lực của giáo hội khỏi châu Âu, một lục địa mà các giáo hoàng đã thống trị từ thời cổ đại và ngay cả hiện đại nhưng lại là một khu vực mà đức tin Thiên Chúa Giáo đang suy yếu nhất. Những lời buộc tội rằng GH Leo XIV, khi phục vụ tại Peru và Hoa Kỳ, đã xử lý sai hoặc không hành động đúng mức về việc lạm dụng tình dục của các linh mục có thể đưa đến sự phản đối Giáo Hội hơn nữa ở các quốc gia Âu Châu, nơi hàng trăm nghìn người đã bỏ nhà thờ vì phẫn nộ.
Một câu hỏi khác là liệu vùng Nam Mỹ, nơi Giáo hội Công giáo đang phát triển nhanh nhất nhưng cũng là nơi mà một số quốc gia đang chống đối chính sách di dân của Hoa Kỳ sẽ chấp nhận giáo hoàng “gốc Hoa Kỳ” mới như thế nào mặc dù trong 20 năm truyền giáo ở ở Peru, GH Leo XIV đã được người Châu Mỹ Latinh tin tưởng và kính trọng như một lãnh tụ tôn giáo không thể thiếu trong đức tin của họ.
Quan điểm của GH Leo XIV về những vấn đề “nóng bỏng” của thời đại cũng không rõ ràng. Không ai hiểu được rằng ngài theo chủ nghĩa truyền thống, bảo vệ những giáo điều của Giáo Hội hay theo chủ nghĩa cải cách. Hơn một thập kỷ trước, Hồng y Robert Prevost đã tỏ ra ghê tởm đối với việc bình thường hóa đồng tính luyến ái và đã tỏ ra hoài nghi về khái niệm phong chức phó tế cho phụ nữ.
Các hồng y xuất hiện trên một trong những ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter sau khi họ bầu Giáo hoàng Leo XIV vào thứ năm tại Vatican. (Luca Bruno/AP)
Nhưng, trong diễn từ đầu tiên của chức vị Giáo Hoàng, GH Leo XIV đã tuyên bố sẽ tiếp nối con đường cải cách của Đức GH Phanxicô, người đã thách thức các giáo điều, các truyền thống cứng ngắt, đã chào đón những người di cư và người nghèo, đã tìm cách xây dựng một nhà thờ giảm ảnh hưởng từ trên xuống dưới, giảm quyền lực của các hồng y và giám mục bằng cách đưa giáo dân vào các quyết định quan trọng của Giáo Phận.
Kiềm chế cảm xúc của mình trong bài phát biểu Urbi et Orbi (còn được gọi là bài phát biểu “truyền thống” trước Rome và Thế giới), Tân GH Leo XIV cho biết sẽ tiếp tục nơi Đức GH Phanxicô đã dừng lại với lời chúc phúc mà cố giáo hoàng đã ban vào Chủ Nhật Phục sinh, một ngày trước khi ngài qua đời.
Tân giáo hoàng phát biểu bằng tiếng Ý trôi chảy: "Cho phép tôi tiếp tục lời chúc phúc đó: Chúa yêu thương chúng ta, Chúa yêu thương tất cả các bạn, và cái ác sẽ không thắng thế! Chúng ta phải cùng nhau tìm cách trở thành một Giáo hội truyền giáo, một Giáo hội xây dựng những cây cầu, đối thoại, luôn mở lòng đón nhận mọi người như quảng trường này với vòng tay rộng mở của nó."
Việc GH Leo XIV được Hội Đồng Hồng Y lựa chọn đã gây sốc cho một số người theo dõi Giáo Hội Vatican vì tên ngài không được đề cập đến nhiều trong những ngày trước đó. Sau nhiều thập kỷ truyền giáo ở Châu Mỹ La tin, rồi Hoa Kỳ và gần đây mới chuyển đến Ý , Hồng y Prevost được coi là một người “quốc tế” ở Thành phố Vatican, không ai quan tâm đến quốc tịch của ngài vì ngài nói thông thạo tiếng Y, tiếng La tinh, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Nhưng khả năng quản lý nhạy bén va sắc sảo của ngài là một điều không ai không nhận ra vì nó vô cùng cần thiết đối với một Tòa thánh đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính. Không phải là không chủ ý khi GH Leo XIV đã truyền đạt thông điệp đầu tiên của mình đã nhắc đến giáo phận cũ của ngài ở Peru bằng tiếng Tây Ban Nha, chào mừng thế giới bằng tiếng Latin và tiếng Ý nhưng không dùng tiếng Anh như một lời xác minh rằng ngài là một Giáo Hoàng của Giáo Hội Vatican hơn là một Giáo Hoàng “Mỹ” có “liên hệ đến tòa Bạch Ốc.
Những tín đồ Thiên Chúa Giáo tụ họp để nghe Tân Giáo hoàng Leo XIV phát biểu từ Vương cung thánh đường Thánh Peter. (Andrea Solero/EPA-EFE/Shutterstock)
Một nhà báo chuyên theo dõi Vatican lâu năm, ông Marco Politi, cho rằng: “Đây là một quyết định địa chính trị tuyệt vời từ hội đồng hồng y, vì— đúng vào thời điểm mà thế giới dường như đang bị bỏ mặc cho các nhà lãnh đạo chính trị lũng đoạn bằng vũ lực, bằng kinh tế thì họ đã chọn một vị giáo hoàng người Mỹ nói về hòa bình, đoàn kết, đức tin Chúa Kitô, và đồng thời tiếp tục con đường về một giáo hội đồng nghị, tức là có sự tham gia của giáo dân nhiều hơn,”
Nhưng trong khi thế giới lạc quan hơn thì một số người bảo thủ ở Hoa Kỳ đã lên tiếng báo động. Sean Davis, biên tập viên của trang tin tức bảo thủ Federalist, đã đăng trên X rằng "các hồng y Công giáo đã chọn một giáo hoàng cánh tả, Tây Âu để sử dụng Giáo hội Công giáo La Mã nhằm chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy quốc gia nói chung, và Trump nói riêng, và củng cố các lực lượng toàn cầu chống lại những người tin rằng mục đích của một quốc gia là bảo vệ người dân của họ".
Mọi người tụ tập bên ngoài Nhà thờ Holy Name của Chicago sau khi Hồng y Robert Prevost được bổ nhiệm làm Tân Giáo hoàng mới vào thứ năm. (Joshua Lott/The Washington Post)
Học sinh từ Học viện Everest ở Lemont, Illinois, ăn mừng bên ngoài Nhà thờ Holy Name sau khi Hồng y Robert Prevost được bầu làm giáo hoàng với danh hiệu Prevost sẽ lấy danh hiệu là Giáo hoàng Leo XIV. (Joshua Lott/The Washington Post)
Việc chọn một giáo hoàng người Mỹ dường như là một sự phá vỡ thỏa thuận “bất thành văn” đối với hầu hết các phân tích gia: Hoa Kỳ luôn bị coi là có quá nhiều quyền lực và là một “cái gai” trong mắt của Vatican vốn nghiêng về châu Âu: Các giáo hoàng gần đây đã chỉ trích chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cá nhân trong văn hóa Mỹ. Giáo hội Hoa Kỳ trong mắt nhiều chuyên gia về giáo hội Vatican là một trường hợp ngoại lệ vì tính cách chính trị và tôn giáo đã đan xen và đôi khi xâm phạm đến đức tin.
Là một giáo sĩ kín đáo, không quen với ánh đèn sân khấu chiếu rọi vào các hồng y ở các thành phố lớn, GH Leo XIV có thể phải “học hỏi” để thich nghi với ngôi vị “Đức Thánh Cha” của Giáo Hội mặc dù từ năm 2023 ngài đã được cố Giáo Hoàng Francis dời về Rome để đảm nhận một chức vụ vô cùng quan trọng: Dicastery for Bishops trông coi việc bổ nhiệm các hồng y và giám mục. Việc chọn danh hiệu của ngài là ám chỉ đến Leo XIII, vị giáo hoàng thế kỷ 19 nổi tiếng với chủ nghĩa trí thức và sự chấp nhận tư duy hiện đại. Dòng Augustinian của ngài bắt nguồn từ các tu sĩ ẩn dật.
Những người Mỹ trong đám đông ở công trường Thánh Peter đã rất vui mừng khi GH Leo XIV xuất hiện trên ban công. Bà Betty D'Eletto, 65 tuổi, một người Mỹ sống ở New York cho đến khi bà chuyển đến Ý khi còn là một thiếu niên đã vô cùng phấn khích. "Chúa phù hộ nước Mỹ! Chúa phù hộ nước Mỹ!"
Khi được hỏi thế giới sẽ đón nhận một giáo hoàng người Mỹ như thế nào, bà trả lời: “Tôi hy vọng họ sẽ yêu mến ngài. Nước Mỹ đã cống hiến rất nhiều cho thế giới. Tại sao lại không thể có một Giáo Hoàng người Mỹ?
Tổng thống Trump chúc mừng Giáo Hoàng Leo XIV
Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống JD Vance đã chúc mừng Đức Hồng y Robert Prevost thuộc Giáo Phận Chicago trở thành Giáo hoàng Leo XIV, một người Mỹ đầu tiên lãnh đạo Giáo hội Công giáo Vatican.
Phát biểu với các phóng viên, tổng thống Trump gọi việc bầu một giáo hoàng người Mỹ là "một vinh dự lớn" cho Hoa Kỳ nhưng đồng thời cũng nói thêm rằng ông "hơi bất ngờ" trước việc một người sinh trưởng ở Chicago được bầu làm Giáo Hoàng …. "nhưng rất vui". Trong một bài đăng chúc mừng trên diễn đàn Truth Social, tổng thống Trump cho biết ông mong muốn được gặp GH Leo XIV: "Đó sẽ là một khoảnh khắc rất có ý nghĩa!" (chú thích của người dịch: thành phố Chicago được coi như là một địa bàn của đảng Dân Chủ. Từ năm 1992, chưa một ứng cử viên tổng thống CH nào thắng ở Chicago)
Phó tổng thống Vance, người đã cải sang đạo Công giáo cách đây sáu năm và là phó tổng thống Công giáo thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ, đã gửi lời chúc đến tân giáo hoàng trong một bài đăng trên mạng xã hội "Tôi chắc rằng hàng triệu người Công giáo Mỹ và những người theo đạo Thiên chúa khác sẽ cầu nguyện cho ngài thành công trong việc lãnh đạo Giáo hội. Cầu xin Chúa ban phước cho ngài!"
Tháng trước, Vance đã gặp người tiền nhiệm của Leo, Giáo hoàng Francis, một ngày trước khi ngài qua đời. Chuyến thăm diễn ra bất chấp những bất đồng công khai giữa Vance và Giáo Hoàng Francis về chính sách nhập cư của Hoa Kỳ và các giáo lý Công giáo khác. Vào tháng 1, Vance lập luận rằng người Công giáo có nghĩa vụ đạo đức lớn hơn là giúp đỡ những người gần gũi với họ hơn là "một người lạ sống cách xa hàng nghìn dặm". Không nêu tên Vance, GH Francis đã trả lời trong một lá thư gửi các giám mục Hoa Kỳ, nhấn mạnh bổn phận của người theo đạo Thiên chúa là phải thể hiện lòng trắc ẩn với những người di cư. Sau đó, Vance đã đưa ra một lời xin lỗi, thừa nhận rằng ông là "một người Công giáo mới" khi phát biểu điều này tại bữa sáng cầu nguyện quốc gia của người Công Giáo.
Các cựu tổng thống Joe Biden và Barack Obama cũng đã gửi lời chúc mừng đến tân Giáo Hoàng Leo XIV.
"Xin Chúa ban phước cho Giáo hoàng Leo XIV của Illinois", Cựu tổng thống Biden, một người Công giáo, đã viết trên X
Cựu tổng thống Obama đã tôn vinh nguồn gốc chung của họ, viết trên X, "Michelle và tôi gửi lời chúc mừng đến một người Chicago, Đức Thánh Cha Leo XIV".
“Đây là một ngày lịch sử đối với Hoa Kỳ, và chúng ta sẽ cầu nguyện cho ngài khi ngài bắt đầu công việc thiêng liêng là lãnh đạo Giáo hội Công giáo và làm gương cho rất nhiều người, bất kể đức tin nào
Tin tổng hợp của Saigon Weekly